Ngày thất tịch là gì?
Thất tịch theo văn hoá phương Đông mang nghĩa là ngày lễ tình nhân, hay còn được một số người cho là ngày Valentine Đông Á. Nếu như ngày 14/2 là ngày lễ Tình nhân toàn thế giới thì phương Đông cũng có thêm một ngày lễ tình nhân khác cho riêng mình.
Vậy ngày thất tịch là ngày nào? Rất nhiều bạn chỉ được nghe nhắc đến nhưng lại chưa biết là ngày thất tịch là ngày gì?
Thực chất, theo truyền thống, thất tịch được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm, gắn liền với tích Ngưu Lang – Chức Nữ, bắt nguồn từ Trung Quốc. Ở Việt Nam, nó còn được gọi theo một cái tên khác đó là Ông Ngâu – Bà Ngâu.
Thông thường, vào ngày này hàng năm, thời tiết sẽ chuyển mưa ở một số nơi, đặc biệt nhất là Trung Quốc, hay còn gọi là mưa ngâu.
Tháng 7 âm còn được gọi là tháng của những cơn mưa ngâu bất chợt, người ta lý giải rằng đó là hiện tượng tự nhiên, cũng là do sự tích được truyền qua hàng ngàn năm.
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày thất tịch

Nguồn gốc của lễ thất tịch xuất phát từ câu chuyện tình yêu đầy nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ. Tương truyền, Ngưu Lang chỉ là một vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng nhưng bản tính lương thiện, chất phác. Vì dành được tình cảm của Chức Nữ, con gái út của Vương Mẫu nương nương, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời, hai người đã nên duyên thành vợ chồng.
Trải quan những năm tháng yên bình, họ đã có với nhau hai người con, một trai một gái, nhưng dường như cuộc sống của họ không thể nào mãi vui vẻ như vậy. Ngọc Hoàng sau khi biết chuyện đã rất tức giận, chia cắt hai người và yêu cầu Chức Nữ phải quay trở lại Thiên Đình, để lại Ngưu Lang một mình nơi hạ giới. Ngưu Lang đau khổ, đuổi theo vợ nhưng lại bị ngăn cách bởi chính con sông Thiên Hà, ranh giới phân chia cõi tiên và trần. Hai người quyến luyến mãi không chịu rời xa, thế rồi, những giọt nước mắt của họ rơi xuống trần gian hóa thành cơn mưa, giờ đây gọi là mưa ngâu. Còn Ngưu Lang vẫn mãi ngồi bên con sông Thiên Hà, chờ đợi Chức Nữ quay trở lại, vậy nên từ đó trở đi, bên sông có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang.
Cảm động vì tình yêu của họ, mà Vương Mẫu đã đồng ý để họ gặp nhau mỗi năm một lần, vào đúng ngày 7 tháng 7 – ngày mà họ rời xa nhau.
Ngày thất tịch nên làm gì? Ý nghĩa ngày thất tịch trong văn hoá phương Đông
Có người cho rằng, nếu năm đó trời không mưa, cả hai cùng ở bên cạnh nhau, ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ và thề hẹn bên nhau trọn đời thì sẽ thành hiện thực. Tuy nhiên ngày thất tịch ở mỗi quốc gia phương Đông lại có những hoạt động khác nhau, để tìm hiểu rõ nét hơn, các bạn hãy theo dõi phần dưới đây.
Lễ thất tịch ở Việt Nam

Thất tịch đã tồn tại và gắn bó với người Việt Nam từ đời này qua đời khác. Trong những ngày của tháng 7 âm, người Việt rất kiêng kỵ làm những việc trọng đại như cưới hỏi, vì sợ gặp phải những điều không may mắn.
Bởi tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng cô hồn, tháng của lễ Vu Lan báo hiếu, mọi người sẽ đi chùa để cầu những điều tốt đẹp đến với gia đình và cầu mong cho một mùa bội thu. Những người chưa có gia đình sẽ tới để cầu duyên, hy vọng sẽ thuận lợi trong đường tình duyên.
Bên cạnh đó, cứ mỗi năm đến ngày này, giới trẻ lại truyền nhau ăn chè đậu đỏ để hy vọng tìm thấy nửa kia của mình. Nhiều người đã may mắn tìm được người yêu thương, nhưng có người thì mãi vẫn chưa thể tìm thấy. Họ không hề bỏ cuộc, vẫn tiếp tục ăn chè đậu đỏ, và đi chùa cầu duyên, tin vào ngày lễ thất tịch nào đó họ sẽ tìm được người yêu thương mình.
Lễ thất tịch tại Trung Quốc

Là nơi bắt đầu của ngày lễ thất tịch, nên đây được coi là ngày lễ quan trọng, ngày hội truyền thống không thể bỏ qua ở đây.
Có rất nhiều hoạt động diễn ra vào ngày này, những cô gái trẻ thường diện những bộ đồ đẹp nhất, đi dạo phố hoặc trưng bày những sản phẩm nghệ thuật do chính tay mình làm ở trên đường phố để cầu mong sẽ tìm được một người phù hợp với mình.
Ngoài ra, ở Trung Quốc còn có một loại bánh không thể nào thiếu được trong những ngày này, đó chính là bánh xảo quả. Bánh xảo quả được làm từ những nguyên liệu vô cùng đơn giản, chỉ là bột mì, đường, mật ong và mè đen , được tạo thành nhiều hình dạng khác nhau, được coi là loại bánh mang lại may mắn cho mọi người.
Lễ thất tịch ở Hàn Quốc

Thất tịch ở Hàn Quốc còn được gọi là Chilseok, vào ngày này, họ không cầu duyên mà thay vào đó, họ hy vọng một sức khỏe tốt. Họ sẽ không ăn uống hay vui chơi như ở Việt Nam hay Trung Quốc, mà đồ ăn của họ cực kỳ đơn giản, chỉ có bánh bột mì và bánh mỳ nướng để thanh lọc cơ thể, hạn chế dầu mỡ.
Theo đó, sự thay đổi thời tiết sau ngày Chilseok bằng những cơn gió lạnh sẽ khiến cho lúa mì mất đi hương thơm tự nhiên, nên người Hàn rất coi trọng những hạt lúa mì còn nguyên vẹn này và tận dụng nó để làm những món ăn ngon nhất.
Lễ thất tịch ở Nhật Bản
Tại Nhật, ngày thất tịch còn được gọi là Tanabata và họ thường sẽ tổ chức lễ hội tại tất cả mọi nơi. Ở trường học, sân nhà, công viên, …vào ngày này đều sẽ có những cây trúc nhỏ, với những tờ giấy đầy đủ màu sắc được viết điều ước bên trong cùng một vài vật trang trí khác.

Cũng như Trung Quốc, món ăn truyền thống của Nhật Bản trong ngày thất tịch là mì Somen lạnh, hay còn gọi là mì máng tre có ý nghĩa xua đuổi bệnh tật, đem lại một sức khỏe tốt cho mọi người. Ngoài ra những cặp đôi yêu nhau sẽ cùng nhau đến đền thờ Thần đạo Shinto để cầu nguyện, mong bên nhau trọn đời, còn những người độc thân sẽ tới để cầu duyên.
Trên đây chúng tôi đã giúp các bạn giải đáp những thắc mắc về ngày thất tịch là ngày gì và ý nghĩa của ngày thất tịch. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về ngày thất tịch trong văn hoá của các nước phương Đông. Theo dõi chúng tôi để nhân được nhiều thông báo về những bài viết hay và lý thú.