Trong phong tục và tập quán của người Việt Nam, Tết Hàn thực là thời điểm người dân háo hức chuẩn bị những đĩa bánh trôi bánh chay vô cùng hấp dẫn để thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được nguồn gốc của ngày tết quan trọng này. Hãy cùng maychasandon.com tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé!
Tết Hàn thực là ngày gì?

Tết Hàn thực được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm, ngay sau Tết Nguyên Đán và Tết Nguyên Tiêu. Trong đó, Hàn có nghĩa là khí hàn, khí lạnh, lạnh, còn Thực là đồ ăn. Ngày tết truyền thống này được tổ chức tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc và bộ phận cộng đồng người Hoa trên thế giới.
Hàng năm cứ vào ngày này, nhiều người xay bột, giã đỗ để làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè để cúng Phật và cúng gia tiên. Theo truyền thống của người Trung Quốc, họ sẽ nấu chè trôi nước, ăn với nước dùng nóng hổi, ngọt mát.
Hiện nay, nhu cầu phát triển của cuộc sống, nhiều người bận rộn không có nhiều thời gian để làm bánh nên có thể mua sẵn ở bên ngoài để cúng tổ tiên cũng như đảm bảo sự chu đáo trong ngày này.
Nguồn gốc ngày Tết Hàn thực Việt Nam
Mặc dù tết Hàn thực có ở Việt Nam nhưng ít ai biết rằng, nguồn gốc của nó lại xuất phát từ một điển tích ly kỳ bên Trung Quốc qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc.

Chuyện kể rằng vào thời Xuân Thu, nhà vua lúc bấy giờ là Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn nên phải rời nước đi lưu vong nay đây mai đó, khi ở nước Tề, lúc lại bên nước Sở. Phò tá vua lúc bấy giờ có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, vì thấy lương thực của nhà vua đã bị cạn kiệt, đành lén cắt một miếng thịt đùi mình để nấu lên, dâng cho nhà vua để chống đói.
Vua ăn xong, hỏi ra mới biết chuyện, trong lòng cảm kích vô cùng bậc hiền sĩ này. Giới Tử Thôi phò vua ròng rã 19 năm trời, cùng vua trải qua bao gian truân nguy hiểm, nếm bao đắng cay ngọt bùi trên đường đi. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vị, trở lại cai trị nước Tấn và phong thưởng rất hậu cho những người đã có công phò tá nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi không phải là người ham công danh lợi lộc nên trong lòng không hề mang oán giân, nghĩ rằng việc mình làm chính là nghĩa vụ của bậc trung thần chứ không phải công lao đáng nói.
Vì vậy bèn xin từ chức và cáo lão về quê, đưa mẹ lên núi Điền Sơn ở ẩn. Vua Tấn Văn Công mãi sau đó mới nhớ đến công lao của Giới Tử Thôi, và cho người đi tìm kiếm tung tích của ông. Nhưng Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn để lên kinh thành nhận thương, nhà vua bèn ra lệnh đốt rừng, ép Giới Tử Thôi phải đi ra.
Lòng Giới Tử Thôi đã quyết nên nhất định không tuân lệnh vua và chấp nhận bị đốt cháy cùng mẹ trong rừng trúc. Hôm ấy chính là ngày 3.3. Vua sau chuyện này thì hối hận vô cùng, thương xót cho tấm lòng trung nghĩa của Giới Tử Thôi nên hạ lệnh lập miếu thờ ngay trên Điền Sơn và ban lệnh xuống toàn dân phải kiêng đốt lửa trong 3 ngày. Bên cạnh đó, người dân chỉ ăn đồ nguội lạnh nấu sẵn để tưởng niệm, bắt đầu từ ngày 3 – 3 âm lịch hàng năm.
Từ đó, người dân Trung Quốc lấy ngày 3 – 3 âm lịch là ngày Tết Hàn thực để tưởng nhớ vị hiền sĩ hết lòng vì vua. Đồ cúng cũng phải chuẩn bị từ hôm trước vì lệnh cấm lửa. Tên gọi Tết Hàn thực cũng được ra đời vì lẽ ấy.
Ý nghĩa Tết Hàn thực ở Việt Nam
Từ sự tích phía trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, mặc dù Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi ở Việt Nam nó lại mang những sắc thái riêng biệt của truyền thống dân tộc. Nhiều người thắc mắc tại sao Tết Hàn thực lại ăn bánh trôi? Vậy thì hãy xem những lý giải của chúng tôi ở ngay dưới đây
Tưởng nhớ người thân đã khuất
Nếu xét về mặt ngữ nghĩa thì Hàn thực có nghĩa là thức ăn lạnh. Theo đó, mọi người sẽ dùng những món ăn nguội, lạnh như một cách để tưởng nhớ những người đã khuất. Tuy đồ nguội lạnh nhưng lòng vẫn hướng đến công ơn của tổ tiên.
Đó là những phong tục của bên Trung Quốc mà nhà vua lập ra để tưởng nhớ Giới Tử Thôi. Nhưng tại Việt Nam, lễ Hàn thực mang nét riêng biệt rõ ràng. Người dân không phải kiêng lửa cũng không cần phải ăn đồ nguội lạnh. Họ đặc biệt chuẩn bị bánh trôi, bánh chay – đại diện cho món đồ nguội lạnh cũng là kết tinh của nền văn hoá Việt, thấm đẫm linh hồn và bản sắc của người Việt Nam.
Từ đó, người Việt Nam cũng quen gọi ngày Tết này gắn liền với cái tên dân dã là Tết bánh trôi, bánh chay nhiều hơn Tết Hàn thực.

Thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Việt Nam ta có nền văn hoá lúa nước từ lâu đời, bởi vậy mà cả hai loại bánh đều được làm từ nhiên liệu là bột gạo nếp. Đây chính là thành quả của quá trình lao động vất vả của người dân, dâng lên ông bà tổ tiên những thứ tốt đẹp nhất.
Với nguyên liệu làm vỏ bánh là bột gạo nếp, bánh trôi sẽ được nắn dạng viên tròn, nhân là cục đường đỏ, chỉ cần luộc chín với nước sôi, sau đó vớt ra và rắc thêm mè bên trên. Còn bánh chay dạng hình tròn dẹt, nhân đậu xanh giã nhuyễn, sau khi luộc chín sẽ ăn cùng nước đường nóng hổi, ngọt mát.
Đây chính là thức quà của đồng nội, của truyền thống tốt đẹp được lưu giữ và phát triển từ đời này qua đời khác.
Khơi gợi lại nguồn gốc lịch sử hào hùng của dân tộc
Nhìn những chiếc bánh trôi, bánh chay tròn trịa xếp ngay ngắn cạnh nhau khiến ta liên tưởng đến truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân cùng bọc trăm trứng.
Bánh trôi tượng trưng cho 50 trứng nở ra 50 người con theo mẹ lên núi, còn bánh chay thể hiện cho 50 trứng còn lại nở ra 50 người con theo cha xuống biển mở mang bờ cõi, bảo vệ lãnh thổ.
Chính vì vậy mà người Việt ta sử dụng hình ảnh bánh trôi, bánh chay để nhớ về cội nguồn, tựa như bánh chưng, bánh giầy, tượng trưng cho trời và đất.

Hy vọng một năm thời tiết hài hoà, no ấm
Được biết Tết Hàn thực cũng là dịp để cầu mong cho một mùa màng bội thu, thời tiết thuận hoà, cây cối phát triển, đơm hoa kết trái. Tháng 3 âm lịch cũng là thời điểm sắp lập hạ, theo luật âm dương ngũ hành, ngày Tết Hàn thực chính là ngày đánh dấu sự kết thúc của Mộc khí.
Món lạnh theo ngũ hành thuộc Kim, bánh trôi, bánh chay màu trắng cũng là Kim. Bánh chay vỏ trắng tính dương còn phần nhân đậu xanh vàng tươi bên trong mang tính âm, mang nghĩa âm dương giao hoà. Dùng bánh trôi bánh chay trong dịp này để cầu mong một mùa hè mát mẻ, không còn oi bức, tiết trời thuận hoà.
Tết Hàn thực có phải là Tết Thanh minh?
Nhiều người vẫn còn thắc mắc khi nói đến Tết Hàn thực và Tết Thanh minh. Sở dĩ có sự nhầm lẫn vậy là bởi Tiết Thanh minh cũng bắt buồn trong tháng 3 âm lịch.
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đã nhắc đến Tiết Thanh minh qua câu thơ:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Tết Thanh minh cũng có nguồn gốc và ý nghĩa gần giống như Tết Hàn thực. Tuy nhiên, lễ Thanh minh lại diễn ra trong nhiều ngày liền, thường được bắt đầu từ ngày mùng 4 hoặc mùng 5 tháng 4 dương lịch đến hết ngày 21 tháng 4 dương. Còn theo lịch âm thì bắt buộc sẽ rơi vào tháng 3, nhưng lại không có ngày cố định mà sẽ kéo dài từ cuối tháng 2 âm.

Tết Thanh minh cũng là dịp để con cháu trở về quê hương, thăm mộ ông bà tổ tiên, những người đã khuất trong gia đình. Bởi vậy mà câu lễ là tảo mộ được bắt nguồn từ truyền thống nhớ ơn tổ tiên của người Việt Nam ta.
Nói tóm lại, dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực ở Việt Nam cũng đã mang đậm bản chất của người Việt Nam. Nhiều người dù ở cách rất xa quê nhà nhưng mỗi năm đến ngày này để duy trì phong tục làm bánh trôi bánh chay hoặc mua bánh làm sẵn để cúng lễ ngay tại nơi đất khách. Bên cạnh đó, đây còn là ngày nhắc nhở tất cả mọi người, những người con Việt Nam hãy nhớ về cội nguồn, nhớ về nét văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
Xem thêm >>> Ngày quốc tế hạnh phúc là ngày nào? Ý nghĩa và lịch sử ngày này
Xem thêm >>> Ngày cá tháng tư là ngày gì? Nguồn gốc, ý nghĩa này cá tháng tư
Xem thêm >>> Ngày của mẹ là ngày nào? Ngày của mẹ nên tặng quà gì ý nghĩa?
Xem thêm >>> Ngày Halloween là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Halloween
Xem thêm >>> Nguồn gốc, ý nghĩa ngày tết Nguyên Tiêu (Lễ Thượng Nguyên)
Xem thêm >>> Ngày gia đình Việt Nam là ngày nào? Lịch sử và ý nghĩa ngày này