Từ lâu trong văn hoá của người dân Việt Nam đã tồn tại những ngày lễ cực kỳ quan trọng, và trong số đó, không thể nào không nhắc đến ngày Tết Nguyên Tiêu. Tuy nhiên không phải ai cũng đã được nghe về nguồn gốc của ngày Tết Nguyên Tiêu cũng như ý nghĩa của nó. Vậy hãy để maychasandon.com giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về thông tin của ngày Tết này nhé!
Tết Nguyên Tiêu là gì?
Tết Nguyên Tiêu hay còn gọi là lễ Thượng Nguyên, ngày Tết đêm rằm đầu tiên của năm mới. Trong đó: Nguyên là đầu tiên, thứ nhất, còn Tiêu là đêm. Tết Nguyên Tiêu là dịp quan trọng, chỉ đứng sau Tết Nguyên Đán theo phong tục của người dân Việt Nam, kể cả Trung Quốc và một số nước châu Á khác.

Lễ Thượng Nguyên đầu tiên của năm mới thường được bắt đầu từ giữa đêm 14 và hết ngày 15 của tháng Giêng Âm lịch. Ông cha ta còn có câu: Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng để nhắc nhở mọi người cần chuẩn bị cho ngày lễ này một cách tươm tất, chu đáo nhất.
Nguồn gốc của ngày Tết Nguyên Tiêu từ đâu?
Nguồn gốc của lễ Thượng Nguyên được bắt nguồn từ bên Trung Quốc. Hiện nay, có nhiều giai thoại về ngày lễ này, trong đó, 2 câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất sẽ được chúng tôi chia sẻ ở ngay dưới đây
Sự tích con thiên nga trắng của Ngọc Hoàng
Xưa kia có một con thiên nga vốn là thiên nga trên trời, được Ngọc hoàng vô cùng yêu thích. Vốn tò mò về hạ giới, thiên nga đã bay xuống rong chơi suốt ngày dài và không may bị người thợ săn bắn chết.

Việc này truyền đến tai của Ngọc Hoàng, người rất tức giận và hạ lệnh trừng phạt muôn loài dưới trần gian thay vì trừng phạt anh thợ săn kia. Đúng ngày 15 tháng 1 Âm lịch, một đội quân Thiên binh Thiên tướng nghe lệnh của Ngọc Hoàng, thiêu rụi toàn bộ sinh vật và con người, không được để ai còn sống sót.
May thay, trong số các vị thần vẫn còn một vài vị thần phản đối cách làm của Ngọc Hoàng, cho rằng lệnh trừng phạt này quá khắt khe và nặng nề, không hợp tình hợp lý. Do đó, họ đã bí mật liều mình xuống dưới hạ giới và hiến kế cho chúng sinh cách thoát nạn.
Bởi vậy mà cứ đến rằm tháng Giêng hằng năm, nhà nhà đều treo đèn lồng đỏ và bắn pháo hoa, nguỵ cảnh như đang bị cháy để đánh lừa Ngọc Hoàng. Nhờ đó mà loài người và muôn thú khắp nơi mới thoát khỏi họa diệt vong.
Kể từ đó trở đi, cứ vào ngày trở hàng năm, mọi người sẽ treo đèn lồng trước cửa, nấu cỗ và bày tiệc linh đình, mừng một năm mới bình an, may mắn. Đèn lồng cũng từ đó mà được thiết kế thành nhiều kiểu dáng khác nhau như đèn cá chép, đèn rồng, phượng,… vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa có ý nghĩa trang trí làm đẹp cho ngôi nhà của mình.
Xem thêm: Tết đoan ngọ là ngày gì? Những việc cần làm trong Tết đoan ngọ
Truyền thuyết về nàng cung nữ và đại thần thời Tây Hán
Tương truyền rằng, thời Hán Vũ Đế có một trung thần tên là Đông Phương Sóc, bản tính hiền lành, lương thiện. Mùa đông năm nọ, tuyết rơi dày đặc mấy hôm liền, Đông Phương Sóc ngẫu hứng đến ngự hoa viên để tản bộ, chợt phát hiện thấy một cung nữ đang định nhảy xuống giếng tự vẫn.
Thấy vậy, Đông Phương Sóc vội vàng đến ngăn lại và quan tâm hỏi rõ sự tình. Thì ra, cô cung nữ tên Nguyên Tiêu này từ khi vào cung thì chưa thể gặp lại người thân. Mỗi năm khi Xuân phân lại càng nhớ nhà, cảm thấy mình không làm tròn trách nhiệm báo hiếu cho cha mẹ nên tìm đến cái chết.
Đông Phương Sóc vô cùng cảm động, liền hứa với Nguyên Tiêu rằng nhất định sẽ tìm cách để cho cô và gia đình được đoàn tụ.

Một ngày nọ, Đông Phương Sóc xuất cung và bày một gian hàng xem bói trong thành Trường An. Nhiều người thấy lạ liền tranh nhau nhờ xem quẻ. Nhưng tất cả thẻ của ông đều để ngày rằm tháng Giêng lửa bén đến thân, bởi vậy mà mọi người đều bốc trúng quẻ này, và thể hiện sự sợ hãi.
Đám đông không ngừng cầu xin, nhờ Đông Phương Sóc tìm cách giải trừ tai họa giáng xuống. Ông liền bảo rằng:
– Chiều tối ngày rằm tháng Giêng, Hoả thần sẽ phái một thần nữ áo đỏ xuống phàm trần để tra xét và thiêu đốt toàn bộ kinh thành. Ta sao lục lại lời kệ đưa cho mọi người, có thể ngày hôm đó sẽ có cách.
Nói xong, ông liền cố tình để rơi một tờ giấy đỏ rồi cất bước đi. Mọi người nhìn thấy liền nhặt lên và đem tới Hoàng cung dâng lên Hoàng Thượng. Hán Vũ Đế liền cầm lên xem, chỉ thấy bên trên để lại một dòng chữ: “ Trường An gặp nạn, lửa thiêu Đế khuyết, ngày 15 lửa trời, đỏ rực suốt đêm”
Hán Vũ Đế xem xong không khỏi kinh hãi, liền cho mời Đông Phương Sóc đến để nghĩ kế trừ hoạ cho dân. Đông Phương Sóc ra vẻ nghĩ ngợi sâu xa rồi nói:
– Thần nghe nói, Hoả thần rất thích ăn bánh trôi, cung nữ Nguyên Tiêu trong ngự thiện phòng chẳng phải là người hay nấu cho bệ hạ ăn đó sao?
– Đêm rằm tháng Giêng, Bệ hạ hãy hạ lệnh cho nàng ta làm bánh trôi, rồi người thắp hương dâng cúng, đồng thời truyền lệnh khắp kinh thành đều làm bánh trôi, đồng loạt dâng cúng Hỏa thần. Truyền khẩu dụ cho thần dân đêm đó phải treo đèn lồng, khắp thành đốt pháo, nổi lửa giống như cả thành đang chìm trong biển lửa. Chỉ có làm như vậy mới có thể qua mặt được Thần linh. Ngoài ra, thông báo cho tất cả người dân ngoài thành đêm rằm tháng Giêng vào thành mà xem hoa đăng, để không bỏ sót ai để giúp dân thoát khỏi tai hoạ này.
Hán Vũ Đế nghe qua liền mừng rỡ, ngay lập tức truyền lệnh xuống dưới. Đến ngày rằm tháng Giêng, trong thành Trường An treo đèn kết hoa, sáng rực cả một vùng trời. Nhà nhà nô nức kéo nhau đi xem pháo hoa, thả hoa đăng vô cùng náo nhiệt.
Cha mẹ Nguyên Tiêu cũng theo lệnh mà dẫn theo em gái vào thành. Khi họ nhìn thấy trên đèn lồng treo trong cung viết tên Nguyên Tiêu thì liền gọi lớn Nguyên Tiêu! Nguyên Tiêu! Nàng Nguyên Tiêu nghe được thì vội vàng chạy đến đoàn tụ với gia đình.
Từ đó, ngày 15 tháng Giêng hàng năm được lấy làm ngày lễ Tết để nhớ công ơn của Đông Phương Sóc. Ông thấy vậy liền lấy tên của nàng cung nữ Nguyên Tiêu để đặt tên cho ngày Tết này.
Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Tiêu là gì?
Theo tín ngưỡng, tôn giáo và ngành nghề thì lễ bái của từng gia đình sẽ khác nhau. Gia đình theo đạo Phật sẽ bái Phật, còn gia đình buôn bán, kinh doanh sẽ thờ cúng Thổ Công, Thần Tài hoặc âm hồn các đẳng,…Nhưng nhìn chung thì tất cả mọi nhà đều buộc phải cúng Gia tiên, bày tỏ lòng thành kính với những người đã khuất và cảm ơn họ đã phù hộ cho con cháu được bình an, mạnh khoẻ.
Theo lời các cụ xưa để lại, rằng tháng Giêng vốn cũng là ngày Tết Trạng Nguyên. Vào đêm trăng sáng đầu tiên của năm mới, vua sẽ mở đại tiệc tại Vườn Thượng Uyển, mời tất cả các Trạng Nguyên đến tham dự.
Trong bữa tiệc, các trạng nguyên sẽ cùng nhau ngắm cảnh, uống rượu và làm thơ xướng họa, thể hiện tài năng của mình và ca tụng công ơn của Thánh Ân. Kể từ đó, những dịp gặp mặt vào ngày rằm tháng Giêng được mở rộng toàn đất nước, còn các buổi họp mặt của các văn nhân thi sĩ được tổ chức thường niên.
Buổi họp mặt không chỉ dừng lại ở quy mô vườn Thượng Uyển, mà được mở rộng khắp mọi nơi. Việc xem hoa ngắm cảnh dưới trăng tròn khi không có nhà vua sẽ thoải mái hơn, những bài thơ, câu đối cũng trở nên phong phú hơn rất nhiều.

Tết Nguyên Tiêu từ lâu đã trở thành nét văn hoá tao nhã, mang nhiều ý nghĩa cao cả trong khung cảnh thơ mộng, hữu tình.
Ở Việt Nam, Phật giáo đã gắn kết nền văn hoá dân tộc với các quốc gia khác nhau theo phương châm: hòa nhập nhưng không hoà tan, gìn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hoá Việt và tiếp thu thêm những nền văn hoá hiện đại. Ngày rằm tháng Giêng là một ví dụ điển hình cho sự hoà nhập văn hóa từ Trung Quốc, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo.
Tết Nguyên Tiêu là thời điểm thích hợp để chúng ta cầu nguyện cho một năm an lành, hạnh phúc. Bởi vậy, lễ hội này được rất nhiều người tham gia, đặc biệt là giới Phật tử.
Mâm cúng Tết Nguyên Tiêu cần chuẩn bị những gì?
Để mâm cúng tết Nguyên Tiêu được tươm tất hơn, các bạn hãy chuẩn bị những món đồ cúng mà chúng tôi chia sẻ dưới đây.
Chuẩn bị mâm cỗ chay
Nhiều gia đình thường xuyên ăn chay và cúng đồ chay vào ngày lễ Thượng Nguyên để bày tỏ lòng thành kính và thanh tịnh. Khi làm cỗ, bạn cần chuẩn bị các món ăn gồm 5 màu chủ đạo gắn liền với ngũ hành tương sinh.
Đặc biệt, gia chủ nên chuẩn bị món ăn theo số lượng 5 -10 – 15 món, không nên để lệch. Và thông thường có một số gia đình sẽ lựa chọn một số món phổ biến như: xôi, chè kho, xôi đậu hoặc hoa quả, xôi chè,…Những món này bạn có thể tự học để nấu hoặc mua luôn ngoài hàng nếu như bạn không có thời gian.
Chuẩn bị mâm cỗ mặn
Cỗ mặn lại có yêu cầu cao hơn nhiều so với cỗ chay. 6 món không thể nào thiếu trong mâm cỗ cúng đó là chả giò, bánh chưng, dưa hành muối, thịt gà, xôi và thịt lợn cùng với 4 bát canh: canh miến mọc, canh măng, canh bóng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình không quá cầu kỳ trong khâu chuẩn bị các món cúng này nên tự ý chuẩn bị mâm cơm theo nhu cầu của mình. Họ có thể làm các đồ cúng khác nhau nhưng những món như chả giò, thịt gà, bánh chưng, xôi và một món canh sao cho vừa ăn nhưng vẫn phải đầy đủ món.
Xem thêm: Tết Nguyên Đán là ngày gì? Lịch sử và ý nghĩa Tết Nguyên Đán
Mâm lễ cúng tết Nguyên Tiêu tại nhà
Ngoài những món ăn mà bạn chuẩn bị ở trên thì cần thêm một số đồ cúng nữa như sau:
- Rượu, chè
- Trầu cau
- Đèn, nến
- Vàng mã (tuỳ gia đình)

Mâm lễ cúng Tết Nguyên Tiêu cúng Phật
Với những gia đình có bàn thờ cúng Phật thì cần chuẩn bị những vật phẩm như sau:
- Hoa quả tươi (mâm ngũ quả)
- Xôi chè
- Mâm cỗ chay
- Một vài đĩa bánh trôi với mong muốn mọi việc trong năm mới đều suôn sẻ, tốt lành.
Lưu ý khi chuẩn bị đồ cúng Tết Nguyên Tiêu
Khi chuẩn bị lễ cúng Thượng Nguyên, bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
- Không dùng trái cây hoặc hoa giả: nhiều gia đình có ý định mua đồ giả về cúng vừa để tiết kiệm chi phí vừa sử dụng được lâu là điều hoàn toàn sai lầm và không thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ.
- Không mua quá nhiều vàng mã: Tết Nguyên Tiêu không bắt buộc phải dùng vàng mã trong ngày này. Nếu gia đình bạn vẫn giữ thói quen cúng vàng mã thì vẫn được nhưng nên hạn chế số lượng, bởi nó vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí tiền của.
- Không dùng đồ chay giả mặn: nhiều người muốn dùng một số thực phẩm chay để làm những món giả mặn. Tốt nhất là bạn nên tránh sát sinh gia súc, gia cầm trong ngày này và ưu tiên những món ăn thuần chay nhé.
- Lau dọn bàn thờ sạch sẽ: trước khi dọn, bạn nên thắp hương để báo với Tổ tiên về việc lau dọn. Trong quá trình dọn không xê dịch bát hương và lau dọn thật sạch những tàn hương còn sót lại từ tết.
- Không cúng thủ lợn: nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa cúng rằm tháng Giêng với các ngày lễ Tết. Tuy nhiên, cúng thủ lợn không mang ý nghĩa tốt đẹp trong ngày này bởi nó có thể mang đến cho gia chủ vận hạn trong năm.
Văn khấn Tết Nguyên Tiêu chính xác nhất
Văn khấn lễ Thượng Nguyên ngoài trời
Nam mô A di đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, con lạy mười mười phương Chư Phật, con lạy Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ, chư vị tôn thần thổ địa
Con lạy ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, ngài Thổ địa, Táo quân cùng chư vị tôn thần
Con lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Cô Di Tỷ Muội nội ngoại gần xa
Gia chủ chúng con là:…
Ngụ tại…
Hôm nay là ngày 15 tháng 1 năm…, nhân dịp Tết Nguyên Tiêu, tín chủ con có lòng thành, sắm sanh lễ vật dâng lên trước án.
Chúng con kính mời các Ngài nghe thấu lời mời, trở về trước án, chứng giám lòng thành và thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, chư vị Gia tiên tiền tổ nghe lời khẩn cầu của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành lễ mọn, thự hưởng lễ vật.
Tín chủ chúng con kính mời ông bà Tiền chủ Hậu chủ về hưởng lễ vật, chứng giám cho lòng thành của chúng con, phù hộ độ trì cho gia đình chúng con được vạn sự tốt lành, đi ngược về xuôi, làm ăn phát đạt. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an.
Con nam mô A di đà Phật! (3 lần)
Văn khấn Gia tiên lễ Thượng Nguyên
Con nam mô A di đà Phật! (3 lần)
Hôm nay là ngày 15 tháng Giêng năm…
Tín chủ chúng con tên là… Ngụ tại…
Chúng con thành tâm kính mời các vị thần quân, thổ địa, các vị thần linh trên cao chứng giám cho lời khẩn cầu của chúng con.
Hôm nay nhân ngày rằm tháng Giêng, theo lệ trần tục, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, có quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén hương thơm dâng lên trước án. Kính mong các vị ở trên phù hộ độ trì cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi điều tốt lành, vạn sự như ý, làm ăn phát đạt.
Đèn trời thắp sáng dẫn lối chư vị thần linh tinh quân trên cao, gia tiên tiền tổ lưu phúc. Lễ tuy mọn nhưng lòng thành có dư. Khẩn mong chứng giám cho chúng con.
Con nam mô A di đà Phật! (3 lần)
Bài văn khấn Thổ Công ngày Tết Nguyên Tiêu
Con nam mô A di đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, con lạy mười mười phương Chư Phật, con lạy Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ, chư vị tôn thần thổ địa
Con kính lạy Đông Hải Thần quân, Thổ Địa Long Mạch.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương Tám hướng, chư vị Tôn Thần
Con kính lạy ngài Tiền Hậu địa chủ thần tài.
Con kính lạy các Tôn thần cai quản khu vực.
Gia chủ chúng con tên là:… Ngụ tại:…
Hôm nay là ngày 15 tháng 1 năm…tín chủ chúng con thành tâm sửa soạn, bày biện hương hoa lễ vật, tiền vàng trà rượu đốt nén hương thơm dâng lên trước án thờ. Chúng con thành tâm kính mời các vị Thần linh, các ngài Thổ địa cai quản, cùng chư vị Tôn thần, Gia tiên tiền tổ, Đông Trù Tư Mệnh, Táo Phủ thần quân tụ họp về đây theo ánh sáng từ ngọn nến chỉ đường.
Cúi xin các Ngài thấu được lòng thành của chúng con mà thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho tín chủ chúng con nhà mạnh khỏe, an lạc, đi ngược về xuôi. Phù hộ cho chúng con công việc hanh thông, tài lộc thăng tiến, tâm đạo mở mang.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được bề trên phù hộ độ trì cho chúng con.
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ của chúng tôi về nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Thượng Nguyên. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hoàn toàn nắm được thông tin về ngày Tết Nguyên Tiêu, cũng như biết được nguồn gốc của nó. Chúc các bạn có những chuẩn bị cho ngày Tết này thật chu đáo.